Sau khi ra mắt stablecoin PayPal USD, Solana đã trở thành một mạng blockchain hàng đầu cho các tổ chức thanh toán. Dự đoán về việc ra mắt ETF Solana càng trở nên khả thi nhờ sự ưu ái từ nhiều gã khổng lồ thanh toán.
Solana Nhận Được Sự Ưu Ái Từ Các Gã Khổng Lồ Thanh Toán Sau Khi Ra Mắt PayPal USD
Solana, blockchain lớn thứ tư về tổng giá trị tài sản bị khoá (TVL), đang tích cực thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tài chính truyền thống nhằm thúc đẩy sự áp dụng crypto trong đời sống hàng ngày.
Theo ông Robinson Burkey, đồng sáng lập và giám đốc thương mại của Wormhole Foundation, nhiều tổ chức tài chính đang tích hợp công nghệ blockchain của Solana để “đảm bảo tương lai” cho các dịch vụ của họ. Trong một ghi chú nghiên cứu chia sẻ với tờ Cointelegraph, ông Burkey viết:
“Các công ty đầu ngành như PayPal, Stripe và Visa cần phải chứng minh sự bền vững của dịch vụ của họ trong tương lai. Cách tốt nhất là hợp tác với những người dùng có tư duy tiến bộ nhất trên nền tảng họ đang sử dụng. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều sự kiện mang tính tổ chức hơn từ Solana trong những năm tới.”
Ngày 28/05, PayPal đã chính thức ra mắt stablecoin PayPal USD (PYUSD) trên mạng Solana, đánh dấu bước đầu tiên ngoài hệ sinh thái Ethereum.
Việc tích hợp này cho phép người dùng Solana thực hiện các giao dịch với chi phí thấp hơn bằng cách sử dụng PYUSD, mở rộng tiện ích của stablecoin cho các giao dịch hàng ngày.
Tháng 09/2023, Visa đã thử nghiệm stablecoin USD Coin (USDC) trên blockchain Solana, trở thành mạng thứ hai hỗ trợ stablecoin này sau Ethereum.
Fireblocks: Solana Sẽ Được Nhiều Tổ Chức Chấp Thuận Hơn
Solana luôn nằm trong top đầu các mạng blockchain có khả năng mở rộng và xử lý số lượng lớn giao dịch. Về lý thuyết, Solana có thể thực hiện tới 65.000 giao dịch mỗi giây (TPS) với chi phí giao dịch trung bình là 0,0025 USD, vượt xa 15 TPS của Ethereum với phí gas cao hơn đáng kể, từ 1 USD đến 50 USD khi mạng bị tắc nghẽn.
Ông Ran Goldi, Phó Chủ tịch bộ phận thanh toán tại Fireblocks, cho biết cơ sở hạ tầng của Solana dễ dàng tích hợp với công nghệ của các tổ chức thanh toán truyền thống, mang lại nhiều sự áp dụng hơn từ các tổ chức. Ông cho biết:
“Điều quan trọng là đảm bảo blockchain của bạn có thể hỗ trợ các yêu cầu thanh toán “ẩn danh” mà vẫn tuân thủ quy định và bảo đảm quyền riêng tư cho người dùng.”
Theo dữ liệu từ DeFiLlama, Solana hiện là mạng blockchain lớn thứ tư với TVL trị giá hơn 4,7 tỷ USD, chiếm 4,49% tổng TVL trên tất cả các blockchain.
Liệu ETF Thứ Ba Ra Mắt Có Phải Là ETF Solana?
Ngoài việc tăng cường sự áp dụng từ các tổ chức, Tristan Frizza, nhà sáng lập Zeta Markets, cho biết Solana có thể là đồng tiền mã hoá tiếp theo nhận được sự chấp thuận cho ETF spot. Ông nhận định:
“Solana được coi là một trong ba đồng tiền mã hóa lớn nhất thị trường cùng với BTC và ETH. Nhiều nhà phân tích mong đợi Solana ETF sẽ sớm ra mắt. Với các mối quan hệ đối tác lớn như Visa, Stripe, Shopify Pay và PayPal, các thương gia và tổ chức có thể áp dụng Solana ngày càng nhiều.”
Hy vọng về quỹ Solana ETF được “nhen nhóm” đầu năm nay, sau khi Franklin Templeton ca ngợi Solana về cách tiếp cận nguyên khối đối với việc mở rộng quy mô blockchain. Tổ chức này gọi đó là “ứng dụng mạnh mẽ của blockchain phi tập trung.”
Dẫn chương trình Fast Money của nhà đài CNBC, Brian Kelly, cũng suy đoán rằng Solana có thể là loại tiền mã hoá tiếp theo nhận được sự chấp thuận quỹ ETF spot tại Hoa Kỳ.
Giá SOL hiện đang giao dịch quanh mức 173 USD, tăng khoảng 4% trong 24 giờ qua.